[Giới thiệu dự án] Bạn có đang hiểu nhầm về dự án Giải mã Nhân sự – HrShare???

Hôm nay đi offline ở Gia Lâm, có bạn Nhi (mr) chia sẻ rằng đã tiếp xúc một số anh chị em học viên dự án Giải mã. Bạn có truyền tải lại với tôi rằng: Kiến thức của dự án Giải mã nông quá. Chắc bạn nói giảm nói tránh. Lúc đó tôi biết bạn đang muốn tốt cho dự án. Tuy nhiên tôi cũng hiểu rằng bạn đang hiểu nhầm về dự án. Thật may, ngồi ngay bên cạnh Nhi là Nguyện (mr) – thành viên dự án Giải mã K08. Nguyễn đã chia sẻ lại với Nhi để bạn hiểu hơn.

Nhi đã hiểu nhầm, một số anh chị em học viên tiếp xúc với nhi cũng hiểu nhầm. Vậy thì tôi tin rằng sẽ có nhiều anh chị em hiểu nhầm nữa. Vì thế nhân lúc chờ phần mềm gửi mail lọc những anh chị em không muốn nhận mail của tôi (nó chạy từ sáng đến giờ), tôi liền viết vài dòng trao đổi về dự án để chúng ta hiểu hơn nữa. Nhắc đến dự án, tôi hi vọng cả nhà sẽ nhớ đến mấy từ khóa sau:

1. “Cộng đồng”
Dự án được khởi nguồn từ những buổi offline cộng đồng. Trong suốt hơn chục năm hoạt động, xây dựng và phát triển cộng đồng nói chung (nghề Quản trị Nhân sự nói riêng), tôi và các thành viên Ban quản trị (BQT) tổ chức ra rất nhiều buổi offline. Mỗi một buổi Off là một chủ đề. Và những chủ đề đấy được các diễn giả – là các thành viên từ cộng đồng – đứng lên chia sẻ. Có nhiều thời điểm BQT tổ chức đến hai hoặc ba buổi off. Anh chị em đến chia sẻ rồi học hỏi nhiều. Mặc dù vậy, do đây là buổi offline nên đâu đó các kiến thức chia sẻ cho các thành viên cộng đồng là những mảng, miếng rời rạc, khó liên kết. Lúc thì chúng ta chia sẻ về tuyển dụng, lúc thì lại đào tạo, rồi lại đến luật. Liệu có cách nào giúp cho mọi người nhận được nhiều hơn?

Bên cạnh đó, như đã chia sẻ trong các trang giới thiệu về dự án: Tôi có kế hoạch rằng hàng năm sẽ cố gắng hỗ trợ đào tạo cho ít nhất 10 bạn sao cho các bạn có đủ công cụ, kiến thức và kinh nghiệm để thăng tiến trong con đường nghề nghiệp của mình. Tôi lên kế hoạch và tôi đã hành động. Tôi có tạo ra khóa học Sư tử : nghenhansu.net/sutu . Tôi đề ra yêu cầu khá khắt khe. Một trong số đó là học giờ hành chính. Tôi đã tuyển được 4 học viên. Tuy nhiên yêu cầu của tôi có vẻ như vô lý. Các bạn học viên của tôi cứ bận lên bận xuống. Và thế là tôi dừng chương trình. Dừng nhưng khóa học vẫn trong tâm trí tôi. Tôi muốn mang lại giá trị nhiều hơn không chỉ là những bài viết trên blog, những comment hỗ trợ các câu hỏi, những tài liệu mẫu.

Cuối cùng, tôi ngồi với team Admin của cộng đồng Hrshare và đề xuất : « Hay chúng ta tổ chức một khóa học miễn phí cho cộng đồng Nhân sự mình đi nhỉ ». Thực hay là mọi người đồng ý, cùng nhau bắt tay xây dựng chương trình. Thế là khóa học : Giải mã nghề Nhân sự ra đời.

Đây thực sự là dự án cộng đồng với 20 buổi học là 20 buổi offline. Chúng ta đến với nhau để kết nối, chia sẻ kiến thức và giá trị cho nhau. Mỗi một buổi sẽ có 1 ai đó đứng lên chia sẻ cái gì đó. Những người còn lại đến, tự trả cho mình 1 cốc café. Vậy là đủ rồi.

2. “7 Sắc cầu vồng”
Dự án Giải mã Nhân sự không chỉ là dự án cộng đồng mà nó còn là dự án “Bảy màu”. Tôi hay gọi đây là dự án 7 sắc cầu vồng. Bảy sắc ở chỗ:

– Nội dung chương trình: Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy dự án không có khung chi tiết cho 20 buổi đào tạo. Nhà chỉ là một cái khung cơ bản với 5 module: Tuyển – Dạy – Dùng – Giữ – Thải. 5 modul Tuyển – Dạy – Dùng – Giữ – Thải rất rộng và bao quát gần như hết các vấn đề Quản trị Nhân sự. Nếu đi hết trong vòng vài buổi sẽ toàn lý thuyết nhưng nếu không lướt qua thì sợ rằng chúng ta sẽ khó hiểu. Vì thế khóa học không đưa ra outline (khung chương trình) mà để cho các huấn luyện viên tự dùng giáo trình và kinh nghiệm của mình để huấn luyện miễn sao theo cấu trúc BTC đưa ra:
– Tổng quan về modul (20 – 25%)
– Các kỹ thuật nâng cao hiệu quả công việc (tác nghiệp) (50 – 60% thời lượng)
– Giải đáp thắc mắc. (20 – 25%)

Và họ sẽ lựa chọn điểm họ thấy tốt nhất để nâng cao kỹ thuật cho học viên. Tuy nhiên chúng ta có giáo trình cho từng level để học viên có thể nắm được nội dung học tốt hơn:
+ Level 0: < 1 năm - thiên về quy trình + Level 1: < 3 năm - thiên về kỹ thuật + Level 2: > 3 năm – thiên về hệ thống
+ Level 3: > 5 năm – thiên về tổng thể và chiến lược

Tùy theo level chung của lớp mà HLV sẽ điều chỉnh nội dung dạy. Nhưng dù sao đây cũng chỉ là Giải mã – cấp cơ bản nhất, cung cấp các khái niệm và thuật ngữ. Chúng ta mong muốn biết sâu hơn, nhiều thực hành hơn, có lẽ khóa học Chuyên sâu/ Nâng cao sẽ phù hợp hơn với anh chị em.

– Huấn luyện viên: Do đây là dự án cộng đồng nên các Huấn luyện viên đều là những thành viên đến từ cộng đồng. Họ trưởng thành từ môi trường tác nghiệp với các gốc đào tạo khác nhau. Vì thế tôi tạm gọi là họ có các trường phái riêng biệt. Mỗi người khi đến dự án sẽ mang cái hay, cái đặc biệt và kinh nghiệm của bản thân ra chia sẻ. Có thể họ nói không hay nhưng họ đều là những người đã từng làm rồi. Vì thế dự án sẽ là tập hợp của đa dạng các trường phái. Đây chính là điểm khác biệt so với các trung tâm đào tạo khác. Ở đó, họ có 1 số giảng viên và họ đào tạo học viên theo trường phái của riêng họ. Có người thì cho rằng nhân sự phải hướng nội, có người lại cho rằng nhân sự phải hướng ngoại. Ở dự án Giải mã, bạn có thể gặp cả 2 trường phái trong 1 lớp do có 2 HLV với tính cách đối ngược nhau.

– Học viên: Một điểm đặc biệt nữa của dự án Giải mã đó là không chỉ có những học viên level 0 đi học mà có cả những học viên level 3 đi học. Họ đến từ các công ty khác nhau với các kỹ năng, lời khuyên rất thiết thực. Chỉ cần thực sự cầu học, có thể mỗi người sẽ học được rất nhiều từ các thành viên khác.

– Khóa học: Dự án Giải mã được định hướng trở thành sân chơi cho những anh chị em trong cộng đồng cùng tham gia. Vì thế các HLV sẽ có khác nhau ở các khóa. Khóa trước sẽ có HLV khác khóa sau. Từ đó nội dung học các khóa cũng khác nhau. Nó tạo ra sự đa dạng trong 1 cái khung rất cơ bản: Tuyển – Dạy – Dùng – Giữ – Thải.

Tóm lại: Nếu tham gia dự án, bạn sẽ cảm nhận sự đa dạng nhiều màu sắc này. Càng tham gia nhiều, bạn sẽ càng thấy nhiều màu.

3. “Bình dân học vụ – phi lợi nhuận”
Không chỉ “cộng đồng”, “7 màu” mà đây còn là dự án “Bình dân học vụ – phi lợi nhuận”. Như đã chia sẻ ở trên, dự án là tập hợp 20 buổi offline nên bạn đi học thì không phải đóng bất cứ khoản gì ngoài việc tự trả tiền cafe cho bản thân. Lúc đầu BTC định tính tổ chức lớp học ở các quán cafe như các buổi offline. Ai thích uống gì thì uống và tự trả tiền phí. Tuy nhiên sau khi bàn bạc kỹ, ban Chuyên môn thấy rằng như vậy chất lượng học sẽ không tốt. Vì thế BTC quyết định, thay vì chúng ta đến quán cafe thì sẽ đến một phòng học nào đó cho nghiêm chỉnh. Chúng ta sẽ chia sẻ chi phí. Và số tiền chia sẻ đó như uống cốc cafe. Trung bình mỗi cốc cafe là 40.000 VND. Số buổi là 30 thì số tiền phải bỏ ra là: 2.000.000 VND.. BTC sẽ thu số tiền này và chi trả cho công tác tổ chức lớp học. Số tiền này bao gồm:
+ Chi phí cho học viên: 1 Áo đồng phục 100k, 1 USB 100k, 1 Quyển tài liệu 30k – 40k, 1 Bút viết + giấy 10k, 2 quyển Sách blog nhân sự 200k (100k gây quỹ từ thiện), Chứng chỉ 100k
+ Chi phí cho Huấn luyện viên: Nước uống cho Giảng viên 10k / 1 buổi, Phấn viết + bút dạ 10k / 1 buổi, giấy A0 khoảng 6-7 tờ = 30k / 1 buổi, đi lại 200k/ buổi
+ Chi phí chung: Phòng học 400k/1 buổi, máy chiếu 100k/1 buổi,…
+ Hoàn tiền cho học viên đạt 80% số buổi học: 800k
+ Chi phí phát sinh khác

Trong các chi phí trên, đa phần đều là những chi phí tối thiểu. Thực sự, nếu là HR và đã đi làm, anh chị em và các bạn sẽ thấy đây đúng là dự án phi lợi nhuận. Ban dự án đã phải rất căn ke để làm sao có thể duy trì được. Và nếu làm không khéo thì các thành viên ban dự án sẽ phải bỏ tiền túi ra để duy trì lớp.

Ngay cả số tiền 800k ở trên, thực lòng tôi và Ban dự án cũng không hề có ý muốn “làm tiền” gì anh chị em. Nó xuất hiện chỉ bởi vì: ở mấy khóa đầu khi không có cam kết, số lượng anh chị em không đến lớp ngày càng nhiều. HLV thì đều là người nhiệt tình và có chất lượng, lại thực chiến. Họ đến lớp mà chỉ lèo tèo vài học viên thì không xứng với sự tấm lòng của họ. Do đó Ban dự án mới đưa ra số tiền cam kết như vậy. Chỉ cần bạn và anh chị đi đủ, ban dự án sẽ hoàn lại ngay.

4. “Kết nối”
Như đã nói ở trên đây là tập hợp của 20 buổi offline. Cho nên đây chính là cơ hội để chúng ta kết nối. Kết nối với đồng nghiệp, kết nối với HLV. Sở dĩ tôi nói vậy vì tôi cũng là người trong nghề nên tôi hiểu những khó khăn khi chúng ta không có kết nối. Chúng ta sẽ khó có thể hỏi xem ở công ty này công ty nọ, vị trí A, vị trí B lương bổng ra sao nếu không có network. Tôi nghiệm ra:

– Tình cảm bạc nhất là tình đồng nghiệp cùng công ty. Chúng ta chỉ cần không làm với nhau, nghỉ khỏi công ty là có thể chúng ta lạnh nhạt với nhau ngay được.

– Tình cảm ít lạnh hơn là tình đồng nghiệp cùng nghề. Chúng ta đi offline, chúng ta gặp nhau thì đâu đó, có thể chúng ta sẽ nói chuyện và giúp đỡ nhau. Nhưng không nhiều. Bản thân tôi là người nhiệt tình. Tôi luôn muốn giúp đỡ anh chị em trong nghề. Nhưng phải nói là nếu không gặp nhau thì tôi cũng khó mà có thể giúp đỡ hết mọi người được.

– Tình cảm ấm hơn chút chính là tình đồng môn. Anh chị em chúng ta cùng học một lớp, đã có thời gian gắn bó với nhau. Thì đâu đó, chúng ta có sợi dây gắn kết. Đã là đồng môn, chúng ta có thể sẽ nhiệt tình hỗ trợ nhau nhiều hơn, cung cấp thông tin chính xác hơn so với việc chúng ta chỉ nghe hoặc biết đến nhau.

– Tình cảm ấm hơn nữa chính là tình thầy trò. Chúng ta đi học, tức là chúng ta có cơ hội được kết nối với các huấn luyện viên – những người trưởng thành hơn chúng ta về nghề. Bạn là học trò của họ. Khi bạn có khó khăn, bạn hỏi họ. Tôi tin họ sẽ trả lời nhiệt tình nhất có thể. Không biết ở đâu thế nào nhưng ở dự án Giải mã, tôi tin điều này. Vì như đã nói ở trên, các HLV ở đây đều là những người đến từ cộng đồng. Và khi mời họ tham gia, Ban dự án không hề nói gì đến quyền lợi mà chỉ kêu gọi tấm lòng nhiệt tình, thiện nguyên của họ. Vậy mà họ giơ tay đứng lên chia sẻ. Họ mang tâm thế “cho đi là còn mãi” khi vào dự án làm HLV. Điều này đồng nghĩa họ là những người nhiệt tình, thiện nguyện nhất cộng đồng rồi.

Anh chị em tham gia dự án tức, nếu chủ động, tôi tin cả nhà sẽ có nhiều kết nối tốt cho công việc.

Bên cạnh đó, với tầm nhìn: mang dự án Giải mã đi 63 tỉnh thành để phổ cập kiến thức Quản trị Nhân sự trên cả nước. Một lúc nào đó, chúng ta sẽ có thể đi đâu cũng có kết nối. Và đi đâu cũng có thể tham gia được vào dự án giải mã. Hãy thử tưởng tượng, nếu lúc nào đó chúng ta phải đến một tỉnh nào đó công tác. Chúng ta có “kết nối” ở đó. Hẳn khi đó công việc sẽ đỡ vất vả hơn nhiều.

Khi tích kiệm được tài chính, tôi sẽ mời HLV từ HCM ra HN, rồi từ HN vào Đà Nẵng… để giao lưu và chia sẻ tri thức, kết nối với anh chị em. Lúc đó chúng ta sẽ thấy nghề của chúng ta phát triển dường nào.

5. “Sân chơi hòa bình”
Do tính cộng đồng nên Ban dự án mong muốn Giải mã như là một sân chơi cho tất cả anh chị em, không phân biệt quan điểm hay hội nhóm. Tôi hi vọng một ngày nào đó, dự án sẽ được thật nhiều anh chị em tham gia, không chỉ với tư cách học viên mà còn cả tư cách HLV. Bất cứ ai có tinh thần “cho đi là còn mãi” đều được chào đón. Khi họ đáp ứng đủ điều kiện về số năm kinh nghiệm là sẽ được ban dự án mời đứng lớp.

Sở dĩ, dự án này là “sân chơi hòa bình” là vì một thực tế rất rõ ràng là nghề của chúng ta dường như đang có những chia rẽ. Một số người tham gia nhóm này, một số người tham gia nhóm kia. Tham gia nhóm rồi thì cố thủ trong nhóm đó. Rồi nhóm có một số anh chị em “giỏi nghề”, tạm gọi là “cây đa, cây đề” chia sẻ. Họ chỉ chia sẻ riêng tư. Điều này dẫn đến sự thiệt thòi cho cộng đồng. Tôi tự hỏi, liệu có cách nào để mời họ, đưa họ kết nối với anh chị em khác rồi từ đó cộng đồng phát triển hơn? Thật may chúng ta có dự án Giải mã. Dự án sẽ là “cánh chim” đưa thông điệp “kết nối” tới khắp nơi.

Nhân tiện đây, tôi xin thay mặt dự án gửi lời mời làm HLV và thành viên của Hội đồng chuyên môn cộng đồng tới anh chị em đã là học viên của dự án. Hi vọng anh chị sẽ bỏ chút thời gian công sức, quay về với những anh chị em khác và cùng cho đi. Tôi tin khi chúng ta cho đi đủ nhiều, chúng ta sẽ nhận lại đủ tất cả những gì chúng ta cho đi.

6. “Chủ động”
Cuối cùng, từ khóa “chủ động” chính là điều tôi muốn anh chị em hiểu. Dự án “cộng đồng”, “7 màu”, “phi lợi nhuận”, “kết nối”, “sân chơi” sẽ là vô nghĩa nếu như các thành viên tham gia vào nó không “chủ động”. Tôi vẫn không hiểu bạn đi offline cộng đồng để làm gì nếu như không phải để “được ăn, được nói, được gói mang về”? Thế tại sao khi anh chị em không chủ động ăn, chủ động nói, và chủ động lấy phần mang về? Có nhiều bạn thật lạ lùng. Không ai bắt bạn đi học, không ai bắt bạn chia sẻ chi phí vậy mà khi bạn đến lớp (đến với offline) bạn lại phó mặc mọi thứ cho HLV, cho thành viên Ban tổ chức. Khi không được gì thì bạn bắt đầu không hài lòng.

Mong cả nhà đừng đến với Giải mã, đến với Offline, đến với cộng đồng với tinh thần như vậy. Hãy mang tâm thế “chủ động” để nhận được nhiều hơn. Trong dự án, đa phần mọi người đều là ở thể “chủ động”. Chúng ta làm nghề này “bị động” tức là chưa hợp với nghề. Hãy chủ động kết nối, chủ động nói chuyện, chủ động hỏi han, chủ động chia sẻ. Tôi tin anh chị em sẽ thấy cái hay của dự án và chúng ta sẽ “được ăn, được nói, được gói mang về”.

***

Một bài viết thật dài. Hi vọng cả nhà sẽ đọc hết. Xin gửi cả nhà link các trang về dự án Giải mã Nhân sự:
– Giới thiệu tổng thể: https://hrshare.edu.vn/giaima/
– Kêu gọi ủng hộ góp vốn mở dự án: https://hrshare.edu.vn/keu-goi-ung-ho-du-an-giai-ma-crowdfunding/
– Giới thiệu dự án tại Hà Nội: https://hrshare.edu.vn/giaimahn/
– Giới thiệu dự án tại Hồ Chí Minh: https://hrshare.edu.vn/giaimahcm/
– Website thông tin hoạt động dự án: https://hrshare.edu.vn/category/giai-ma/
– Fanpage dự án: https://www.facebook.com/giaimanghenhansu

2 thoughts on “[Giới thiệu dự án] Bạn có đang hiểu nhầm về dự án Giải mã Nhân sự – HrShare???”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *